slide slide slide slide slide

Tin tức - Sự kiện

Doanh nghiệp tìm kế đối phó với hàng hóa Thái Lan

Cuộc thâm nhập và phổ biến của hàng hóa và các hệ thống bán lẻ Thái Lan một lần nữa đặt doanh nghiệp Việt trước bài toán cạnh tranh ngày càng gay gắt trên chính sân nhà.

Chen chân tại Hội chợ triển lãm hàng Thái Lan vừa được tổ chức tại Hà Nội, cô Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết gia đình 5 người của cô khá chuộng những món đồ "Made in Thailand", từ những cốc chén đến bộ quần áo mặc hàng ngày. Thói quen của cô Hương cũng như nhiều gia đình tại các đô thị Việt Nam được hình thành từ đầu những năm 90, khi đồ tiêu dùng Thái Lan còn ít, chủ yếu được xách tay nhưng đã nổi tiếng tốt và vừa túi tiền. Hơn 20 năm sau, khi việc đi lại, buôn bán giữa 2 nước trở nên dễ dàng hơn, hàng hóa từ nền kinh tế lớn bậc nhất ASEAN này càng có cơ hội thâm nhập vào Việt Nam.

"Người Thái Lan đã có tham vọng cạnh tranh với hàng Trung Quốc ở Đông Nam Á từ lâu. Họ chọn ASEAN để làm bàn đạp tiến ra các nước châu Á và quốc tế. Với dân số 90 triệu người, đa phần trong độ tuổi lao động, Việt Nam được coi là mắt xích quan trọng trong quá trình này", đại diện một doanh nghiệp tham gia hội chợ nhận định.

hoi-cho-01-9019-1408353347.jpg

Nhiều người tiêu dùng Việt có thiện cảm với hàng hóa Thái Lan. Ảnh: Huyền Thư

Từ việc thiết lập những đại lý phân phối, đưa hàng hóa len lỏi vào các siêu thị, cửa hàng tiêu dùng, người Thái đang nghĩ đến cuộc chơi lớn hơn khi hàng rào thuế quan giữa hai nước hoàn toàn được gỡ bỏ vào năm 2015. "Thái Lan đang muốn tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh để hàng hóa có thể vào Việt Nam dễ dàng thông qua những đại siêu thị, trung tâm thương mại do chính họ làm chủ", vị đại diện doanh nghiệp trên cho biết.

Bằng chứng là thời gian gần đây, nhiều thương vụ đầu tư của người Thái đều liên quan đến lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, như việc Berli Jucker (BJC) mua lại hệ thống bán sỉ Metro Việt Nam, Robins mở trung tâm thương mại tại Hà Nội và 7 Eleven đang rục rịch tìm điểm đặt chân tại TP HCM. "Khi các siêu thị Thái Lan mọc lên ngày càng nhiều, hàng Thái Lan vào thị trường Việt Nam sẽ càng lớn", ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận xét.

Thách thức đầu tiên được đặt ra là doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì để không đánh mất thị phần vào tay người Thái, gần giống như vấn đề đối với hàng Trung Quốc. "Bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối nào cũng phải làm theo thị trường, nếu hàng Thái tốt, được ưa chuộng họ sẽ nhập về bán", lãnh đạo Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Hoàng Gia chia sẻ với VnExpress.

Theo các chuyên gia, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là doanh nghiệp Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.

Một lãnh đạo Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cho biết doanh nghiệp từ lâu đã có chủ trương tổ chức hệ thống này, đặc biệt là quan tâm đến thiết kế nhằm tạo cá tính riêng cho sản phẩm. "Các đơn vị nước ngoài mạnh hơn về tài chính và kinh nghiệm nên doanh nghiệp nội phải tự tìm đường đi cho mình", ông nhấn mạnh.

Việc người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng hơn là tìm đến những hàng rẻ, khuyến mãi nhưng không rõ xuất xứ cũng là điều cần quan tâm. "Nên tập trung vào những mặt hàng có chất lượng, bên cạnh yếu tố giá cả. Doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng mới có thể cạnh tranh được", ông nói.

Bên cạnh đó, việc mở rộng các kênh phân phối do tự thân doanh nghiệp làm chủ cũng được xem là hướng đi khôn ngoan để hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng và củng cố thương hiệu. Vinatex hiện nay đang tích cực mở rộng hệ thống phân phối riêng của mình với hơn 50 siêu thị Vinatexmart trên cả nước. Các đơn vị thành viên của tập đoàn cũng xây dựng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về khắp các tỉnh, thành, kết hợp với các siêu thị mini tại công ty.

Ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cũng bộc bạch doanh nghiệp đã sẵn sàng cho cuộc chơi hội nhập vào năm 2015. Theo đó, May 10 nhấn mạnh đến việc kiểm soát chất lượng, mẫu mã và dịch vụ để củng cố thương hiệu. "Chúng tôi có thuận lợi của doanh nghiệp phát triển nhất quán từ thiết kế đến sản xuất, phân phối nên chủ động được nguồn cung và có thể nhận được phản hồi nhanh nhất từ người tiêu dùng", ông cho hay.

Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội siêu thị Hà Nội khuyến nghị đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" phải làm lâu dài và tích cực hơn trong thời gian tới. Ông Phú kỳ vọng đến năm 2020, thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối phải chiếm 80-90%. "Người dân rất thích dùng hàng Việt nếu chất lượng và giá cả cạnh tranh tốt trên thị trường. Ngoài ra, chất lượng dịch vụ cũng phải được quan tâm", vị này nhấn mạnh.

hoi-cho-02-3833-1408353347.jpg

Hàng hóa Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mọi mặt với sản phẩm cùng loại từ Thái Lan. Ảnh: Huyền Thư

Không chỉ sản xuất, trước sự mở rộng của các chuỗi siêu thị Thái Lan, hệ thống phân phối trong nước cũng bị thách thức gay gắt. Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương, chủ hệ thống siêu thị Ocean Mart, cạnh tranh đã được các nhà bán lẻ trong nước coi là vấn đề phải đối mặt trong thời gian dài, nhất là khi Việt Nam đang trên đà hội nhập sâu.

"Doanh nghiệp không chỉ phải cạnh tranh về quy mô, vốn, hệ thống quản trị mà còn cả trên mặt trận marketing. Mỗi đơn vị phải định vị rõ bản sắc của mình để lôi kéo khách hàng mục tiêu", ông Tuấn nói.

Để chuẩn bị, ông Tuấn cho biết siêu thị đang tập trung xây dựng quy trình quản lý và hệ thống nhất sự, trong đó chú trọng đến đào tạo nhân viên bán hàng - bộ mặt của mọi đơn vị bán lẻ. Chiến lược marketing cũng cần hướng đến xây dựng cá tính riêng cho thương hiệu, giảm bớt phụ thuộc vào những chương trình khuyến mại, giảm giá. Đặc biệt, hệ thống đầu mối phân phối phải đảm bảo để hàng bán trong siêu thị đạt tiêu chuẩn, không có hàng giả, hàng kém chất lượng.

Lãnh đạo Ocean Mart cũng nhấn mạnh việc liên kết giữa nhà bán lẻ với doanh nghiệp sản xuất hay các nhà bán lẻ khác là nút quan trọng để chống đỡ trước những đại gia lớn, giàu tiền bạc. "Thay vì sự chống đỡ rời rạc của từng doanh nghiệp, khiến thị phần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại, các nhà bán lẻ nội địa cần liên kết với nhau để cùng nhau gặt hái trên cánh đồng của mình", ông Tuấn khẳng định.

Chuỗi bán lẻ này cũng đang tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam, hỗ trợ cho vay vốn, hướng dẫn về các quy chuẩn, quy định về chất lượng hàng hóa, bao bì, nhãn mác… nhằm mục tiêu khẳng định vị thế của hàng Việt trong siêu thị cũng như trên thị trường.

Song, đại diện các doanh nghiệp cho rằng bên cạnh những thách thức, doanh nghiệp Việt Nam cũng có những cơ hội để chuyển mình. "Thị trường không của riêng ai. Người Thái chỉ có thể bán được ở một khu vực nhất định, do vậy nếu khai thác tốt lợi thế mặt bằng, siêu thị Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh", vị này bày tỏ.

Hay với ngành dệt may, cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ là một cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu ra khu vực có hơn 600 triệu dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội nhập sâu vào thị trường thế giới và tăng giá trị xuất khẩu.